Kinh nghiệm du lịch Bến Tre – Bến Tre có gì vui

Tour du lịch nội địa 30/4: kém sôi động vì sức mua yếu

Tour du lịch nội địa 30/4: kém sôi động vì sức mua yếu

Các công ty lữ hành chủ động hạn chế nhập dịch vụ đầu vào và bán các tour nội địa trong kỳ nghỉ 30/4 vì thị trường nhiều rủi ro.

Ngày cuối trước kỳ nghỉ lễ, đại diện nhiều đơn vị lữ hành cho biết họ đã bán hết các tour nội địa hoặc chỉ còn lẻ tẻ vài chỗ. Tuy nhiên, điều này không phản ánh sức mua lớn hay độ hào hứng của du khách với các điểm đến trong nước. Các công ty đã chủ động nhập ít dịch vụ đầu vào gồm vé máy bay, phòng khách sạn, hai yếu tố quan trọng cấu thành tour.

Từ đầu tuần trước, Công ty Du lịch Việt bắt đầu “xả lỗ” một số tour còn trống với giá giảm khoảng 300.000-800.000 đồng một khách. Bà Phạm Phương Anh, Phó giám đốc, cho biết họ xả hàng không nhiều vì chủ động nhập vừa đủ. Cụ thể, dịp 30/4 năm nay, công ty chỉ lấy trước 260 vé máy bay (tương đương 13 đoàn), bằng cùng kỳ năm 2022. Công ty đánh giá vé máy bay trong nước quá cao, ngang dịp Tết Âm lịch nhưng sức mua của thị trường thấp nên không “ôm” nhiều, chỉ nhập đủ để bán.

AZA Travel xác nhận không bán các tour trọn gói nội địa có kèm vé máy bay trong dịp 30/4 năm nay. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc, nói giá vé máy bay cao khiến một tour trọn gói từ Hà Nội đi Đà Nẵng tăng giá từ 6 triệu lên 10 triệu đồng một khách. Vì đánh giá khách sẽ cân nhắc nên công ty chủ động chỉ bán lẻ dịch vụ hoặc combo (vé máy bay và phòng khách sạn) để tránh rủi ro. So với cùng kỳ năm ngoái, tour nội địa của công ty dịp này giảm khoảng 70%.

Đà Nẵng là một trong những điểm du lịch nổi tiếng còn nhiều phòng dịp lễ 30/4. Ảnh: Nguyễn Đông

Đà Nẵng là một trong những điểm du lịch nổi tiếng còn nhiều phòng dịp lễ 30/4. Ảnh: Nguyễn Đông

Đại diện SGO Travel đánh giá một trong những lý do dẫn tới thực tế này là du khách có xu hướng đi theo gia đình, nhóm bạn bè dạng tự túc. Do đó, các công ty khó bán các tour trọn gói và cũng rủi ro khi “ôm” phòng, vé máy bay. Dịp 30/4, SGO Travel có một đoàn lớn, khoảng vài trăm khách nhưng công ty không dám giữ phòng khách sạn trước đó. Chỉ đến khi khách đặt, họ mới lấy phòng từ bên khác để bán.

Những năm trước dịch, thị trường ổn định, đa số đơn vị lữ hành đều chủ động giữ trước lượng lớn phòng, vé máy bay để bán lẻ hoặc làm thành tour. Tuy nhiên, từ sau dịch, thị trường khó đoán hơn. Năm ngoái, thị trường nội địa “cực hot” sau dịch. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, đa số đơn vị lữ hành đều nhận ra sự bất ổn từ giá vé máy bay, sức mua của khách hàng nên không dám nhập nhiều.

“Bình thường, các dự báo phải đúng 80-90%, chúng tôi mới dám trữ phòng khách sạn, vé máy bay. Năm nay, thị trường không ổn định nên cũng cần tránh rủi ro”, đại diện SGO Travel nói thêm.

Sức hút của các tour nội địa giảm sút còn do ảnh hưởng từ việc nhiều du khách chọn đi nước ngoài, giá tour nước ngoài cũng cạnh tranh hơn. Nếu so riêng dịp 30/4, nhiều hành trình tới Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc có giá ngang hoặc thấp hơn tour trong nước. Các chặng khác như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore có thể “nhỉnh” hơn nhưng vẫn khiến du khách phải đặt lên bàn cân.

Phần lớn tour nước ngoài có sự trợ giá từ các điểm mua sắm. Ví dụ, chính sách trợ giá này có thể chiếm 50% giá landtour tại Thái Lan. Các điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng có mức trợ giá tương đương. Châu Âu cũng có chính sách trợ giá (chiếm khoảng 10% giá tour) từ các điểm mua sắm nước hoa (Pháp), đồng hồ (Thụy Sĩ) hay kim cương (Hà Lan). Trong khi đó, chính sách từ các điểm mua sắm ở Việt Nam chỉ đủ trả “hoa hồng” cho tài xế, hướng dẫn viên.

Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Hà Nội, cho biết chưa có thống kê cụ thể về việc các doanh nghiệp “ôm” dịch vụ đầu vào bao nhiêu so với cùng kỳ các năm trước. Nhưng theo đánh giá cá nhân, ông Thắng nhận xét con số chắc chắn giảm nhiều. Có một số doanh nghiệp chỉ dám nhập khoảng 30-50% so với năm 2019 nên việc bán hết hoặc xả lỗ ít là điều không bất ngờ.

Đại diện Hiệp hội Lữ hành Hà Nội nói về cơ bản, nguồn vốn của các doanh nghiệp du lịch vẫn ổn. Điều quan trọng là thị trường không đủ hấp dẫn để họ tìm nguồn vốn nhằm “ôm” vé máy bay, phòng khách sạn. Do thị trường bất ổn, các công ty lữ hành rụt rè nên tạo ra xu hướng “chuyên môn hóa” trong dịp lễ năm nay.

Các đại lý chuyên bán vé máy bay sẽ là đơn vị “ôm” chủ yếu thay vì các công ty lữ hành. Nếu trước dịch hoặc ngay cả năm 2022, các công ty từ Hà Nội và TP HCM sẽ giữ hầu hết quỹ phòng ở các trung tâm du lịch lớn. Nhưng năm nay, các công ty tại chính điểm đến lại giữ nhiều phòng hơn. Chỉ ít công ty đủ khả năng mới dám “ôm” dịch vụ hoặc sẽ có những liên minh khoảng 7 công ty chia nhau bán. Họ sẽ chủ động tìm đến đối tác giữ dịch vụ khi cần.

Đường phố ở Bangkok. Ảnh: New York Magazine

Tour Thái Lan Bangkok. Ảnh: New York Magazine

Mặt khác, ông Thắng chỉ ra du lịch nội địa dịp 30/4 năm nay đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Kinh tế ảnh hưởng khiến du khách cân nhắc nhiều hơn trước khi chi tiền. Họ có thể chọn đi những điểm đến gần trong nước với loại hình camping, glamping có chi phí vừa phải. Các trung tâm du lịch truyền thống không còn là lựa chọn số một.

Ông Thắng nhấn mạnh thị trường hiện có quá nhiều rủi ro, biến động và các xu hướng du lịch mới. Do đó, để ngành du lịch phát triển chuyên nghiệp và các công ty lữ hành đưa ra dự đoán chính xác nhất, Việt Nam cần sớm có những đơn vị chuyên thống kê về du lịch. “Các con số được đưa ra sẽ góp phần điều tiết luồng khách, quản lý điểm đến hiệu quả. Bản thân các công ty cũng sẽ được hưởng lợi lớn từ những thống kê này để biết đầu tư một cách hiệu quả”, ông Thắng nói.

Tú Nguyễn

Nguồn tin: Báo Vietnamnet

Link gốc: https://vnexpress.net/tour-du-lich-noi-dia-30-4-kem-soi-dong-vi-suc-mua-yeu-4599559.html

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x