Kinh nghiệm du lịch Bến Tre – Bến Tre có gì vui

Nam Cực bùng nổ du lịch

Nam Cực bùng nổ du lịch

Hệ sinh thái mong manh ở cực Nam bán cầu dễ bị tác động xấu do lượng du khách đến đây ngày một tăng nhanh.

Theo Hiệp hội quốc tế các nhà điều hành tour du lịch Nam Cực (IAATO), trong giai đoạn 2022-2023, vùng đất cực Nam bán cầu ghi nhận lượng khách ghé thăm kỷ lục với 105.331 người. Đầu mùa hè năm nay có khoảng 32.730 người đã đến Nam Cực bằng du thuyền và 71.258 lượt khách du lịch rời bến. Các chuyên gia dự báo lượng khách đang trên đà tăng trong thời gian tới.

Ianenkov, kỹ sư kiêm chủ cửa hàng lưu niệm tại trạm nghiên cứu Nam Cực Bellingshausen cho biết gần đây cửa hàng nhỏ tại cực Nam bán cầu luôn chật kín du khách tham quan, mua đồ. Cửa hàng bán các món đồ lưu niệm như nam châm gắn tủ lạnh, móc khóa giá 5 USD mỗi chiếc, mũ lót lông giá 100 USD. Ianenkov chia sẻ thu nhập của anh và các đồng nghiệp phụ thuộc nhiều vào những du khách giàu có đến Nam Cực. Du khách đến đây chi tiêu trung bình khoảng 12.700 USD cho mỗi chuyến đi.

Tàu chở khách du lịch cập đảo King George. Ảnh: Sean Smith/The Guardian.

Tàu chở khách du lịch cập đảo King George. Ảnh: Sean Smith/The Guardian.

Một số người đến vì mục đích nghiên cứu khoa học, số còn lại là khách du lịch đến leo núi băng, trượt tuyết, ngắm cảnh bằng trực thăng. Du lịch Nam Cực được nhận định là dành cho những người có dư giả về tài chính. Trong số những du khách đặt chân đến lục địa này vào đầu hè vừa qua có hơn một nửa đến từ Mỹ, tiếp theo là Australia, Đức và Anh.

Du khách mất nhiều chi phí để tới Nam Cực, từ máy bay, quần áo, trang thiết bị đến tiêm chủng. Ngoài ra, vùng đất này đem đến những trải nghiệm độc đáo không tìm thấy ở cuộc sống thường nhật. Du khách được nhìn ngắm những tảng băng trôi siêu thực, quan sát các loài động vật hoang dã xứ lạnh ở khoảng cách gần, tham quan vịnh Fildes từ bãi đáp của lực lượng không quân Chile. Lượng khách đến cực Nam bán cầu chủ yếu dồn vào mùa hè khi thời tiết bớt băng giá. Ngoài ra, hoạt động chèo thuyền, lặn với ống thở trong cái lạnh thấu xương ở Nam Đại Dương cũng được nhiều du khách yêu thích.

Tiến sĩ Daniela Liggett, Phó giáo sư tại Đại học Canterbury ở New Zealand, chuyên nghiên cứu về vấn đề quản lý du lịch ở Nam Cực, cho biết tác động của sự gia tăng khách du lịch đến môi trường Nam Cực là rất lớn. Du lịch mang tính thời vụ và hệ sinh thái mỏng manh ở vùng cực phải đối mặt với lượng du khách tăng ồ ạt vào mùa hè và giảm đột ngột vào mùa đông.

“Mùa cao điểm, vịnh Fildes dễ rơi vào tình trạng quá tải với hàng dài tàu thuyền chở khách du lịch, sự cố tràn nhiên liệu, các phương tiện hàng hải va chạm với sinh vật biển. Một số địa điểm mang tính lịch sử thậm chí bị vẽ bậy”, bà Liggett nói.

Các nhà nghiên cứu phát hiện tuyết tại những địa điểm đông khách du lịch có nồng độ carbon đen cao hơn do khí thải của tàu. Điều này dẫn đến tăng tốc độ băng tan chảy. Ước tính từ năm 2016 đến 2020, lượng du khách gia tăng đã gây tác động không nhỏ, làm tan chảy khoảng 75 tấn tuyết ở Nam Cực.

Tiến sĩ Luis Miguel Pardo, nhà sinh vật học người Chile cho biết nhiều du khách biết đến Nam Cực mang lại lợi ích kinh tế từ ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại về khả năng du nhập của các sinh vật ngoại lai khi vùng đất vốn không có cư dân sinh sống này liên tục có người ghé thăm.

Một số loài ngoại lai đã xuất hiện trên bán đảo, cộng thêm biến đổi khí hậu và nhiệt độ ấm hơn sẽ dẫn đến những hệ quả tiêu cực trong tương lai.

Hải cẩu voi sinh sống tại Nam Cực. Ảnh: Sean Smith/The Guardian.

Hải cẩu voi sinh sống tại Nam Cực. Ảnh: Sean Smith/The Guardian.

Du lịch tại Nam Cực bắt đầu hình thành từ những năm 1950. Đến năm 1991, tổ chức IAATO được thành lập để thúc đẩy hoạt động du lịch an toàn và có trách nhiệm với môi trường tại cực Nam Trái Đất.

IAATO đặt ra các hướng dẫn nghiêm ngặt liên quan đến bảo vệ môi trường sống của động vật hoang dã, xử lý rác tránh làm hư hại thảm thực vật hoặc đưa các loài xâm lấn đến Nam Cực.

Năm 1959, hệ thống Hiệp ước Nam Cực (ATS) ra đời, có giá trị pháp lý ràng buộc để điều chỉnh quan hệ quốc tế giữa các quốc gia đối với châu lục duy nhất trên Trái Đất không có người bản địa sinh sống.

Thách thức hiện nay của ATS tại Nam cực là chưa đưa ra được thống nhất chung nhằm giới hạn quy mô của ngành du lịch đang phát triển ngày một nhanh. Hầu hết hoạt động vẫn được cho phép và không có giới hạn hàng năm về lượng khách du lịch có thể đến thăm.

Bích Phương

Theo The Guardian

Nguồn tin: Báo Vietnamnet

Link gốc: https://vnexpress.net/nam-cuc-bung-no-du-lich-4622421.html

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x