Kinh nghiệm du lịch Bến Tre – Bến Tre có gì vui

48 giờ ở Quảng Ngãi

48 giờ ở Quảng Ngãi

Không chỉ có Lý Sơn, Quảng Ngãi còn có miệng núi lửa cổ gần bờ, những bãi tắm hoang sơ và đồi sim tím trên thảo nguyên.

Quảng Ngãi không phải là một điểm đến nổi tiếng, nhưng là một nơi lý tưởng cho những du khách muốn có các trải nghiệm mới. Những hoạt động gợi ý dưới đây dựa trên tư vấn của bà Trương Thu Hường, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày 1

Buổi sáng

Buổi sáng của du khách, đặc biệt với những người ở bãi Mỹ Khê, nên bắt đầu bằng việc tắm biển. Mỹ Khê là bãi biển nổi tiếng nhất Quảng Ngãi, trùng tên với bãi biển ở Đà Nẵng nhưng hoang sơ hơn. Lưu ý du khách chỉ tắm gần bãi cát, đặc biệt quan tâm đến trẻ em, vì bãi biển khá sâu.

Bữa sáng bên bờ biển nên chọn bánh bèo Cô Lợi. Bà Võ Thị Lợi, 66 tuổi, chủ quán bánh bèo đã đúc bánh 18 năm nay. “Với công thức làm nước lèo riêng tạo hương vị đặc biệt, quán luôn có hơn 1.000 khách. Mỗi chục bánh bèo giá 25.000 đồng”, chủ quán cho hay. Thực khách thưởng thức bánh bèo có thể gọi thêm nước đậu nành, đậu xanh, rau má.

Sau khi ăn sáng và tắm biển Mỹ Khê, hành trình tiếp tục ra phía bắc dọc theo bờ biển. Đến đây bạn có hai sự lựa chọn là đến cảng Sa Kỳ thuộc xã Bình Châu huyện Bình Sơn để mua vé ra đảo Lý Sơn, hòn đảo du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên nếu đi đảo Lý Sơn nên dành hai ngày để có đủ thời gian nghỉ ngơi và trải nghiệm.

Ở lựa chọn thứ hai, hành trình rẽ về hướng UBND xã Bình Châu thăm các dấu tích của núi lửa phun trào hàng triệu năm trước. Trên đường, bạn có thể thấy phía tây là một cánh đồng lớn, là dấu vết của một dòng sông cổ ở thôn Châu Me mà tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, nhận định thuộc hệ thống hàng hải của người Chăm.

Khi vào xã Bình Châu, một địa điểm không thể bỏ qua là mũi Ba Làng An – cực đông của tỉnh Quảng Ngãi, nơi gần đảo Lý Sơn nhất từ đất liền. Ở đây có dấu tích miệng núi lửa gần bờ, và những vách đá tạo hình thù đẹp mắt, du khách cũng có thể tắm biển ở vùng có nhiều hòn đá lớn bao bọc. Mũi đất này còn có cột hải đăng với hai màu trắng, đỏ tạo điểm nhấn trên phông nền xanh mát của biển và đồi núi.

Cách địa điểm này 2 km về phía tây là Bãi Xép thuộc xóm Gành Đá, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu. Cũng được tạo nên từ núi lửa phun trào, nhưng đá ở đây có hình dạng giống gành đá đĩa ở Phú Yên. Du khách có thể cắm trại, bơi lội. Gần đó có chợ cá gần bờ lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi và bãi tắm Châu Tân rộng và thưa vắng người hơn biển Mỹ Khê.

Buổi trưa

Hãy đến những nhà hàng, quán ăn ở các địa điểm du lịch bên bờ biển để thưởng thức hải sản tươi sống như cua, ghẹ, mực và đặc biệt là nhum nướng (nhím biển). Có rất nhiều quán ở đây cho bạn lựa chọn như Hồng Sinh, Thái Dương, Thời Nhất.

Sau đó, những người yêu biển có thể tiếp tục đi về phía bắc huyện Bình Sơn để thăm Gành Yến, một địa điểm có cấu trúc địa chất tương tự, được ví như Lý Sơn thứ hai với những cánh đồng hành, tỏi.

Đồng muối Sa Huỳnh nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Linh

Đồng muối Sa Huỳnh nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Linh

Buổi chiều tối

Hãy dành cả buổi chiều ở cánh đồng muối Sa Huỳnh thuộc huyện Đức Phổ, một trong những đồng muối nổi tiếng nhất miền Trung. Ở đây du khách có thể đặt tour đồng muối. Các thành viên trong tổ hợp tác du lịch cộng đồng hoa muối Sa Huỳnh sẽ kể sự tích nghề muối, cách diêm dân làm ra muối bằng cách tận dụng nắng và gió, kiến trúc của đồng muối từ các mương dẫn nước đến các ô ruộng. Du khách cũng có thể tự mình trải nghiệm cào muối, trẻ em được tìm hiểu về hệ vi sinh vật trên đồng muối.

Ở đây còn có đầm An Khê, một trong những đầm nước ngọt lớn nhất miền Trung, từng là không gian cư trú của người Sa Huỳnh cổ. Du khách trải nghiệm dịch vụ chèo thuyền trên đầm.

Du khách nghỉ đêm tại Sa Huỳnh hoặc ra TP Quảng Ngãi để tiếp tục hành trình ngày thứ hai.

Ngày 2

Buổi sáng

Hãy thử bữa điểm tâm với một số món ngon của Quảng Ngãi. Đầu tiên là bánh tráng ướt ráo, còn gọi là bánh rập. Bánh tráng ướt đúc nóng trong nồi hơi được kẹp với một chiếc bánh ráo (bánh đã nướng), quệt với dầu và lá hẹ, chấm với mắm nêm. Trong thành phố Quảng Ngãi, bánh rập được bán ở đường Trương Quang Trọng hoặc đường Lê Đại Hành…

Một lựa chọn sang chảnh hơn là món lòng vịt chưng trên đường Phan Đình Phùng. Lòng chưng với công thức nấu riêng luôn có hàng trăm khách mỗi sáng.

Sau đó hành trình tiếp tục ở thảo nguyên Bùi Hui, thuộc xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, cách thành phố Quảng Ngãi hơn 70 km về phía tây. Sẽ tuyệt vời hơn nếu bạn lên vào chiều hôm trước và ngủ lại sáng hôm sau để ngắm bình minh. Bình minh ở đây là màn sương bao phủ thảo nguyên, tán ánh nắng mặt trời xuyên qua thành ngũ sắc.

Điều đặc biệt nhất của thảo nguyên rộng hàng chục ha này là còn nguyên một đồi sim tím. Mùa này sim đã chín, bạn có thể thăm đồi sim, mua rượu sim của người dân địa phương.

Ở đây còn có dịch vụ cho thuê trại của một nhóm bạn trẻ ở địa phương, nếu muốn bạn nên liên hệ trước bằng cách tìm kiếm từ khóa “Thảo nguyên Bùi Hui”. Du khách có thể nhờ tư vấn về món ăn hoặc tự mua đồ để lên thảo nguyên nấu nướng. Nếu muốn thưởng thức đồ ăn bản địa, thì món đặc trưng nhất là thịt trâu hun khói, nhưng khá hiếm.

Buổi chiều

Chiều ở Bùi Hui, hoàng hôn nhuộm vàng, mây trôi gần khiến du khách như chạm được bầu trời. Nhưng hãy cẩn thận với những trận mưa dông ở Bùi Hui, vì thế nên xem kỹ dự báo thời tiết.

Trở về TP Quảng Ngãi để kết thúc hai ngày đi chơi, bạn đừng bỏ quên món don, đặc sản nổi tiếng nhất của tỉnh này. Don giống hến nhưng có màu vàng, nước ngọt hơn, được người dân cào dưới sông Trà Khúc. Tách vỏ để lấy con don rất nhỏ bên trong là cả một quy trình kỳ công, đầu bếp sau đó sẽ nấu ngọt hoặc xào, bỏ hành.

Don ăn chung với bánh tráng mỏng sống hoặc chín tạo thành tiếng kêu rôm rốp khi bẻ cho vào tô, một âm thanh rất “Quảng Ngãi”, làm ai cũng dễ dàng nhận ra khi đến bất kỳ quán ăn nào ở xứ sở Núi Ấn Sông Trà.

Phạm Linh

Nguồn tin: Báo Vietnamnet

Link gốc: https://vnexpress.net/48-gio-o-quang-ngai-4627319.html

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x