Kinh nghiệm du lịch Bến Tre – Bến Tre có gì vui

Trôi dạt – trào lưu du lịch hiện hành của giới trẻ Trung Quốc

Trôi dạt – trào lưu du lịch hiện hành của giới trẻ Trung Quốc

Đối với giới trẻ Trung Quốc, 2023 là năm của sự trôi dạt, lang thang khắp nơi mà không cần định hướng cho tương lai.

Hè 2022, cuộc sống của Wei Ziyi sụp đổ. Chàng trai 26 tuổi dành nhiều năm ngày đêm miệt mài làm việc, phấn đấu để đạt mức sống trung lưu. “Tôi chưa bao giờ từ chối bất kỳ yêu cầu nào từ ông chủ. Thành tích luôn tốt nhất”, Ziyi nói. Sau đó mọi thứ bất ngờ kết thúc. Khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại sau dịch bệnh, ông chủ sa thải Ziyi. Anh mất việc, chật vật tìm chỗ mới và phải rời Thâm Quyến để đến một thành phố gần đó có mức sống rẻ hơn. Ziyi sống một cuộc đời không phương hướng.

Một năm sau, Ziyi nói “hạnh phúc hơn bao giờ hết” khi chấp nhận lối sống “trôi dạt”. Anh mua một chiếc xe tải, chất đầy đồ lên đó và đi lang thang vô định. Hiện anh kiếm sống bằng cách tổ chức các bữa tiệc ngẫu hứng tại các khu nghỉ mát bên biển dọc đất nước.

Một số hình ảnh của Ziyi trong hành trình trôi dạt của mình gửi cho Sixthtone. Ảnh: Sixthtone

Một số hình ảnh của Ziyi trong hành trình trôi dạt của mình gửi cho Sixthtone. Ảnh: Sixthtone

Ziyi không đơn độc. Kiệt sức sau nhiều năm bị phong tỏa vì dịch bệnh và tỷ lệ thật nghiệp ở thanh niên cao ngất ngưởng, vượt 20%, giới trẻ Trung Quốc đang bỏ việc, hướng theo lối sống “trôi dạt” – sống bằng đủ cách khi lang thang khắp nước.

“Trôi dạt” là biểu hiện mới nhất của sự vỡ mộng đang lan rộng trong thế hệ trẻ của Trung Quốc khi phải chịu đựng cuộc sống cạnh tranh ngày càng gay gắt, khó tìm việc làm lương cao. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đã chấp nhận lối sống “nằm im” thay vì lao vào miệt mài làm việc.

Lối sống trôi dạt này gần giống xu hướng “du lịch hành xác” mà giới trẻ Trung Quốc áp dụng gần đây, đặc biệt sau khi chính phủ nới lỏng các hạn chế đi lại sau dịch bệnh. Các sinh viên nghèo áp dụng phương pháp đi du lịch tiết kiệm bằng cách ngủ trên tàu thay vì thuê khách sạn, tiết kiệm chi phí bữa ăn để đi nhiều nơi nhất có thể.

Theo tạp chí Sixthtone, không rõ chính xác có bao nhiêu người đang trôi dạt. Nhưng nền tảng xã hội Xiaohongshu (Tiểu Hồng Thư – gần giống với Tripadvisor phiên bản Trung Quốc) tràn ngập bài đăng của những người theo xu hướng này, chia sẻ việc từ bỏ công việc, chỗ ở ổn định và kinh nghiệm đi khắp nước.

Với Ziyi, khao khát được đi lang thang ấp ủ nhiều năm. Khi học trung học, anh nhớ từng đọc ngấu nghiến cuốn tiểu thuyết “1988: I Want to Talk With the World”, nói về hành trình lang thang khắp nơi của hai người trẻ. Hồi học đại học, Ziyi từng mơ ước đi khắp thế giới với tư cách là một DJ.

Nhưng phải mất một thời gian, anh mới có đủ can đảm để bắt đầu rẽ theo một con đường khác. Tháng 12/2022, anh bắt đầu khởi hành từ tỉnh Quảng Đông trên chiếc xe tải của mình. Đến nay, anh tới Liêu Ninh, tỉnh phía đông bắc xa xôi của đất nước, dừng chân ở 28 thành phố ven biển.

Không phải chỉ những người thất nghiệp mới chọn lối sống phiêu lưu không mục đích này. Li Zi, 25 tuổi, nghỉ việc ở một công ty Bắc Kinh hồi tháng 1 và đi du lịch sau đó. Cô trải qua vài tháng lang thang khắp châu Á, Phi, Âu, thỏa giấc mơ đi khắp thế giới khi còn nhỏ. Zi từng rất yêu thích công việc trong ngành quảng cáo của mình nhưng sau ba năm làm việc không ngừng nghỉ, cô kiệt sức. “Tôi kiệt quệ về thể xác, tinh thần”, Zi nói.

Hành trình trôi dạt của Li Zi bắt đầu từ 24/3. Ảnh: Sixthtone

Hành trình trôi dạt của Li Zi bắt đầu từ 24/3. Ảnh: Sixthtone

Khác Wei, Zi không căng thẳng khi nghỉ việc. Sau chuyến đi ngắn về nhà thăm bố mẹ, cô bay thẳng đến Indonesia. Từ đó, cô “trôi dạt” hết nước này đến nước khác nhờ vào tiền tiết kiệm.

Xu Dapao có một công việc được nhiều bạn bè mơ ước: vị trí ổn định tại một doanh nghiệp nhà nước ở Bắc Kinh nhưng tháng 7/2022, Xu đột ngột nghỉ việc vì “không thể chịu đựng việc sống một cuộc sống không có gì thay đổi từ 9h đến 18h”.

Trong năm qua, Xu đã đến thăm khoảng 50 thành phố của Trung Quốc tại hơn 20 tỉnh khác nhau. Mỗi nơi, Xu ở lại 2-3 ngày. Các điểm đến tiếp theo của cô thường lựa chọn ngẫu nhiên. Có lần, cô bay từ Tân Cương ở cực Tây Bắc đến đảo nhiệt đới Hải Nam, nhiệt độ thay đổi 40 độ C. “Tôi đã trải qua rất nhiều trên đường đi, nhưng cuối cùng tôi đã nhìn thấy phong cảnh đẹp nhất”.

Đối với một số thanh niên Trung Quốc, trôi dạt đã trở thành một điều tự nhiên. Ye Kaikai, 27 tuổi, nghỉ việc sau ba tháng. Kể từ đó, cô ấy nhảy hết từ nơi này sang nơi khác. Trong 5 năm, Ye đã dựng lều trên những ngọn núi tuyết ở Tây Tạng, mở một cửa hàng kem ở Vân Nam và đi du lịch khắp đất nước.

Những bức ảnh Ye Kaikai chụp trong hành trình trôi dạt của mình. Ảnh: Sixthtone

Những bức ảnh Ye Kaikai chụp trong hành trình trôi dạt của mình. Ảnh: Sixthtone

Gần đây, Ye hành hương tới Nepal. Cô mua quần áo, đồ trang sức thủ công của người Nepal và bán cho khách hàng Trung Quốc và kiếm tốt từ công việc này. Cô thậm chí nghĩ đến việc ổn định ở nơi này để phát triển sự nghiệp. Với Ye, hạnh phúc bản thân là điều quan trọng nhất.

“Thế giới luôn thay đổi. Tôi cũng vậy. Cuộc sống ngắn ngủi, hãy làm điều gì đó vui vẻ mà bạn muốn”, cô nói.

Anh Minh (Theo Sixthtone)

Nguồn tin: Báo Vietnamnet

Link gốc: https://vnexpress.net/troi-dat-trao-luu-du-lich-hien-hanh-cua-gioi-tre-trung-quoc-4629799.html

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x