Kinh nghiệm du lịch Bến Tre – Bến Tre có gì vui

Nơi ở của các nữ thần đồng trinh Nepal

Nơi ở của các nữ thần đồng trinh Nepal

Ngôi nhà ba tầng, được xây bằng gạch đỏ Kumari Ghar có lịch sử hơn 260 năm, là nơi ở của nữ thần đồng trinh tại thủ đô Kathmandu.

Nằm ở ngã ba của quảng trường Dubar và Basantapur, thủ đô Kathmandu, là tòa nhà ba tầng xây bằng gạch đỏ, nơi ở của Kumari (nữ thần đồng trinh). Ngôi nhà có tên gọi Kumari Ghar hoặc Kumari Bahal, được xây dựng bởi vua Jaya Prakash Malla vào năm 1757. Công trình mang kiến trúc tráng lệ điển hình của Nepal với những tác phẩm điêu khắc bằng gỗ cầu kỳ hình các vị thần và biểu tượng văn hóa của đất nước, theo Hội đồng Du lịch Nepal.

Nơi ở của các nữ thần đồng trình. Ảnh: Hội đồng Du lịch Nepal

Nơi ở của các nữ thần đồng trình. Ảnh: Hội đồng Du lịch Nepal

Bên trong tòa nhà là Kumari Chowk, một sân gạch rộng lớn, hình vuông. Bao quanh sân là các ban công và cửa sổ bằng gỗ được chạm khắc cầu kỳ của ngôi nhà ba tầng. “Điều này khiến nó có thể trở thành sân trong nhà đẹp nhất Nepal”, Lonely Planet, nhà xuất bản sách du lịch trụ sở tại Mỹ, nhận xét.

Tòa nhà được xây theo phong cách của tịnh xá Phật giáo. Giữa khoảng sân là một bảo tháp thu nhỏ mang biểu tượng của Saraswati, nữ thần của tri thức, âm nhạc, nghệ thuật và thiên nhiên. Trong một trận động đất lớn năm 2015, ngôi nhà chỉ bị thiệt hại nhỏ, bất chấp các công trình và đường sá xung quanh bị tàn phá nặng nề. Nhiều người tin rằng ngôi nhà vẫn tồn tại nguyên vẹn là nhờ phúc của thánh nữ đồng trinh đang sống tại đó.

Du khách có thể ghé thăm ngôi nhà miễn phí, tuy nhiên không được vào trong mà chỉ đứng ở khoảnh sân ở giữa. Kumari xuất hiện bên khung cửa sổ từ 9 đến 11h. Du khách bị cấm chụp ảnh các nữ thần nhưng có thể chụp ảnh trong khu vực sân khi Kumari không xuất hiện.

Khu vực sân của tòa nhà, nơi du khách được phép ghé thăm và chụp ảnh. Ảnh: KTM guide

Khu vực sân của tòa nhà, nơi du khách được phép ghé thăm và chụp ảnh. Ảnh: KTM guide

Có rất ít hình ảnh về bên trong ngôi nhà Kumari sinh sống vì nơi này được coi là địa điểm thiêng liêng, không phải ai cũng được ra vào. Một số hình ảnh ghi lại cho thấy bên trong tòa nhà là các căn phòng gạch rộng rãi, được bày biện đơn giản. Phòng tiếp khách của Kumari có sàn lát gạch và trải thảm đỏ, rèm cửa màu đỏ. Trong phòng chỉ có một chiếc ghế ngồi có tựa lưng dành cho Kumari. Những người khác sẽ ngồi trên đất hoặc thảm. Trên tường phòng khách và các địa điểm khác như cầu thang đều treo ảnh chụp chân dung của các Kumari tiền nhiệm.

Tại cánh cổng lớn màu vàng ở bên phải ngôi là nơi để cỗ xe khổng lồ, dùng để đưa nữ thần sống diễu hành quanh thành phố trong lễ hội Indra Jatra hàng năm. Indra Jatra kéo dài tám ngày, được xem là sự kiện thú vị và được tôn kính nhất của người dân tại thung lũng Kathmandu. Họ đổ ra đường và đi theo cỗ xe có nữ thần ngồi trên để được ban phước.

Các Kumari được thờ phụng bởi cả người theo đạo Hindu và Phật giáo. Người dân tin rằng Kumari chính là hóa thân của nữ thần Durga (nữ thần Mẹ trong đạo Hindu).

Kumari không được phép nói chuyện với người lạ, trừ gia đình và bạn bè thân thiết. Cô gái đó sẽ không còn là nữ thần nữa khi xuất hiện kỳ kinh nguyệt đầu tiên.

Một nữ thần đồng trinh ở Nepal. Ảnh: AFP

Một nữ thần đồng trinh ở Nepal. Ảnh: AFP

Sau khi một Kumari kết thúc nhiệm kỳ, chính quyền sẽ tổ chức cuộc tìm kiếm thánh nữ mới. Để trở thành người được chọn, các bé gái phải trải qua hơn 30 bài kiểm tra khắt khe của các bậc trưởng lão. Một trong những tiêu chuẩn để được chọn là cô bé phải có “chiếc cổ thanh mảnh như vỏ ốc xà cừ, đôi mắt dịu dàng của bò cái”.

Nữ thần thường xuất hiện trước đám đông với gương mặt được trang điểm kỹ càng, trang phục màu đỏ có thiết kế cầu kỳ, đeo nhiều đồ trang sức. Ngoài các dịp lễ hội, nữ thần phải ở trong phòng trong Kumari Ghar. Công việc hàng ngày của họ gồm dậy sớm, tắm rửa và thực hiện các nghi lễ, đọc báo hoặc xem tivi.

Chân của cô không được chạm đất vì người dân coi đất là thứ không sạch sẽ. Phần lớn các nữ thần sẽ di chuyển bằng cách được bế hoặc ngồi trong kiệu khiêng. Phòng riêng là nơi duy nhất họ được đi bộ. Trong các lễ hội, mọi người sẽ hôn chân nữ thần để được ban phước lành. Sau khi hết nhiệm kỳ làm nữ thần, các cô gái tiếp tục đến trường học tập và kết hôn, sinh con, sống cuộc đời bình thường như những người khác.

Anh Minh (Theo Hội đồng Du lịch Nepal, Lonely Planet)

Nguồn tin: Báo Vietnamnet

Link gốc: https://vnexpress.net/noi-o-cua-cac-nu-than-dong-trinh-nepal-4634717.html

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x