Kinh nghiệm du lịch Bến Tre – Bến Tre có gì vui

Hai lần chuyển tiền đặt phòng qua đại lý du lịch ‘ma’

Hai lần chuyển tiền đặt phòng qua đại lý du lịch ‘ma’

Đặt villa nghỉ dưỡng ở Phú Quốc qua một đại lý du lịch trên Facebook, anh Thế mất 4 triệu đồng sau hai lần chuyển tiền cọc.

Đầu tháng 2, anh Lê Văn Thế, sống tại Đồng Nai, tìm resort nghỉ dưỡng ở Phú Quốc cho 10 người. Anh tìm được một đại lý du lịch có tên “Villa Phú Quốc” trên Facebook quảng cáo căn villa 5 phòng ngủ tại Novotel Phú Quốc.

Thấy phù hợp nhu cầu, anh liên hệ đặt 2 đêm. Phía đại lý báo tổng chi phí 17 triệu đồng, yêu cầu khách cọc 50% để giữ chỗ và sẽ gửi lại thông tin xác nhận qua email sau 10 phút.

Ban đầu, anh Thế lưỡng lự, muốn thanh toán khi nhận phòng nhưng bị từ chối. Phía đại lý hạ mức cọc còn 30% và gợi ý tạm ứng một nửa. Anh Thế chuyển trước 1 triệu đồng. Ngày hôm sau, anh đổi lại thông tin đặt 3 đêm cho 16 người. Đại lý thông báo chuyển sang villa 8 phòng ngủ, tổng 24 triệu đồng, cọc tối thiểu 30% mới hỗ trợ. Anh Thế chuyển thêm 3 triệu đồng và đại lý đồng ý.

Chỉ vài tiếng sau khi chuyển tiền, đại lý “lật kèo”, yêu cầu phải chuyển đủ 50% tiền cọc mới làm booking. Anh yêu cầu hủy và hoàn lại tiền nhưng không được. Phía đại lý đưa ra lý do khách không thanh toán đủ tiền cọc nên không thể làm booking và không hoàn lại số tiền đã chuyển.

Các thông tin trao đổi giữa khách hàng và Facebook Villa Phú Quốc. Ảnh: NVCC

Các thông tin trao đổi giữa khách hàng và Facebook Villa Phú Quốc. Ảnh:NVCC

Trong quá trình đặt phòng, anh Thế đã yêu cầu người hỗ trợ cung cấp thông tin cá nhân và được thông tin một phụ nữ tên Thanh, sinh năm 1970, quê ở Thái Nguyên, kèm căn cước công dân. Người này nói đang sinh sống và làm việc tại Phú Quốc.

Sau khi lật kèo, Facebook của đại lý biến mất, số điện thoại người hỗ trợ cũng không liên lạc được. “Do chủ quan và nhẹ dạ nên tôi không kiểm tra kỹ thông tin. Tôi không mong đòi lại được số tiền đã mất mà chỉ muốn mọi người cảnh giác khi đặt phòng qua mạng”, anh Thế chia sẻ.

Thủ đoạn mạo danh đại lý du lịch yêu cầu khách cọc 30-50% giá trị tiền phòng rồi “bốc hơi” không còn mới. Hồi tháng 7/2022, hàng trăm du khách chuyển tiền cọc, đặt phòng một villa không tồn tại ở TP Vũng Tàu.

Sau khi nhận thấy hành vi của đại lý du lịch có dấu hiệu lừa đảo, anh Thế đã trình báo với cơ quan chức năng địa phương và đang chờ giải quyết. Người này cũng liên hệ với ngân hàng để xác minh chủ tài khoản đã chuyển tiền vào.

“Ngân hàng thông báo đây là số tài khoản cá nhân đăng ký qua ứng dụng trực tuyến. Mỗi ngày, có khoảng 10 giao dịch chuyển tiền vào tài khoản này, dao động từ 4 đến 7 triệu đồng. Chủ tài khoản cũng rút ngay lập tức mỗi khi có tiền chuyển đến”, anh Thế cho biết.

Trả lời VnExpress, đại diện truyền thông khu nghỉ dưỡng Novotel Phú Quốc cho hay họ đã ngừng kinh doanh các hạng mục villa từ tháng 12/2021. Ngoài ra, khu nghỉ chưa từng có căn villa nào 8 phòng ngủ như đại lý kể trên nói đến. Căn lớn nhất là 5 phòng ngủ.

“Trang này mạo danh Novotel để làm quảng cáo giả”, đại diện resort khẳng định.

Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho hay đã có tiền lệ mạo danh cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tương tự ở Phú Quốc.

“Có thể khẳng định những kẻ giả danh này không phải người dân sinh sống trên địa bàn Phú Quốc. Họ thường hoạt động trên mạng xã hội, đăng bài quảng cáo qua các hội nhóm, cộng đồng du lịch, hướng đến những vị khách nhẹ dạ, ham rẻ”, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch tỉnh Kiên Giang nói. Theo ông Huy, khách hàng trước hết cần tỉnh táo vì rất khó xác minh danh tính các đối tượng này.

Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Công ty luật Hoàng Sa tại Hà Nội, nhận định hành vi của tài khoản Villa Phú Quốc có dấu hiệu lừa đảo khi đưa ra thông tin không có thật, liên tục điều chỉnh mức tiền cọc. “Mọi người khi gặp những vụ việc tương tự có thể thông báo đến cơ quan công an nơi xảy ra vụ việc hoặc công an nơi gần nhất. Cần tập hợp những bằng chứng để giao nộp kèm theo tố cáo”.

Ông Giáp cũng đưa ra những lưu ý khi đặt phòng qua mạng. Thứ nhất, khách hàng cần kiểm tra kỹ thông tin về resort, khách sạn dự định đặt, không tin tưởng hoàn toàn vào đại lý du lịch. Thứ hai, cần đặt câu hỏi nghi ngờ khi thấy mức giá bất thường. Thứ ba, không nên giao dịch qua điện thoại, mọi thao tác giao dịch nên thông qua email hoặc tin nhắn để có cơ sở lưu trữ bằng chứng.

Bích Phương

Nguồn tin: Báo Vietnamnet

Link gốc: https://vnexpress.net/hai-lan-chuyen-tien-dat-phong-qua-dai-ly-du-lich-ma-4568188.html

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x