Người làm du lịch chờ sự bứt phá trong năm 2023
“Những gì mà du lịch đã đạt được trong năm qua khẳng định thương hiệu và vị thế du lịch Việt Nam trong khu vực và thế giới”, ông Lê Hòa Hiệp, Giám đốc HiTravel TP HCM, cho biết và coi đó là những tiền đề tốt để Việt Nam bứt phá lượng khách (cả quốc tế và nội địa) trong năm 2023.
Năm 2022, Việt Nam đã được vinh danh ở hơn 40 hạng mục tại lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) khu vực châu Á và châu Đại Dương. Việt Nam được bình chọn là “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á“. Ở cấp địa phương, TP HCM, Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng, Huế, vườn quốc gia Cúc Phương, cao nguyên Mộc Châu… đều nhận được các giải thưởng.
“Điều này cho thấy một trong những điểm mạnh mà du lịch Việt Nam đã làm được là xây dựng thương hiệu điểm đến”, ông Vũ Văn Tuyên, CEO Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam, khẳng định. Việc đưa nhiều hình ảnh, video giới thiệu quảng bá trên các kênh truyền thông quốc tế đã giúp khách nước ngoài hình dung và hiểu hơn về văn hóa, danh thắng, con người Việt Nam.
Ông Tuyên cho biết thêm theo phân tích của dữ liệu Google, lượng tìm kiếm của khách quốc tế với điểm đến Việt Nam luôn ở mức cao, có thời điểm tăng trên 400% so với cùng kỳ năm trước. Lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú cũng bắt đầu tăng, trong đó khách đến từ các quốc gia như Mỹ, Australia, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Canada… tìm kiếm thông tin về Việt Nam nhiều.
“Chúng ta cũng có sự phong phú về bản sắc văn hóa, không chỉ là phong cảnh đẹp mà còn cả ẩm thực, tạo nên dòng sản phẩm về du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch quá cảnh luôn hấp dẫn du khách”, ông Tuyên nói thêm.
Nhiều chuyên gia cho rằng không khó để Việt Nam đạt được mục tiêu đón khách. Tuy nhiên, cần nâng cấp sản phẩm, đổi mới và xây dựng sản phẩm mới để tăng tính trải nghiệm, cân bằng điểm đến, lựa chọn đối tượng du khách cho phù hợp sau Covid-19.
Theo ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Tổng giám đốc Vina Phú Quốc Travel, xu hướng đi du lịch của khách đang thay đổi. “Du khách gần đây quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, nghỉ dưỡng và gần gũi thiên nhiên”, ông Huy nói. Đó cũng là lý do năm 2023, doanh nghiệp ông phát triển hai dòng sản phẩm: nghỉ dưỡng cao cấp và nghỉ dưỡng mang tính trải nghiệm, gắn với thiên nhiên, tách biệt cuộc sống thường ngày. Cùng với đó là sản phẩm MICE, nghỉ dưỡng biển kết hợp du thuyền dành cho khách quốc tế.
Ông Trần Lê Bảo Châu, Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ Việt Nam (VTF), cũng khẳng định sau dịch hành vi tiêu dùng của du khách đã thay đổi và sẽ hướng đến các sản phẩm du lịch thiên về văn hóa, sức khỏe, con người.
“Rất nhiều sản phẩm mới hướng về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, chẳng hạn như các điểm đến tại TP HCM như khu vực Thiềng Liềng, bán đảo Thanh Đa… Đây sẽ là những sản phẩm quan trọng của thành phố. Nhiều doanh nghiệp lữ hành sẽ tập trung đầu tư cho dòng sản phẩm này để phục vụ cho du khách, tạo nên những sản phẩm mới”, ông Châu nói.
Cũng theo ông Châu, sau giai đoạn “bùng nổ” về mặt cảm xúc vì Covid-19, du khách đã ổn định lại và sẽ lựa chọn hơn cho những chuyến đi. “Họ sẽ đắn đo hơn trong chi tiêu và những chuyến đi sẽ theo chiều sâu”, ông Châu phân tích và cho rằng doanh nghiệp du lịch sẽ có cơ hội để đầu tư những sản phẩm có chất lượng hơn, thay vì trước đây sản phẩm được xây dựng chạy theo xu hướng thị trường. Đây cũng là một điểm mới tạo nên những sản phẩm chất lượng và bền vững.
“Số lượng khách nội địa sẽ tương đương 2022 nhưng không quá tập trung vào mùa hè, giảm sự chênh lệch giữa các tháng cao và thấp điểm”, ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Flamingo Holding Group, CEO Flamingo Redtours, nhận định. Năm 2023, các tuyến outbound đã mở. Do vậy, các tour du lịch quốc tế có thể triển khai bán được ngay từ đầu năm.
Theo ông Hoan, năm 2023 du lịch nội địa vẫn tiếp tục theo xu hướng khách gia đình tự đặt dịch vụ trực tiếp, các gói combo mà không cần thông qua công ty lữ hành. Khách đoàn tự tổ chức, chỉ qua công ty lữ hành khi số lượng lớn, hành trình phức tạp và có nội dung sự kiện. Đối với khách quốc tế, làm thế nào để chính sách về thị thực, nhập cảnh thuận lợi nhất. Tiếp nữa là cần đẩy mạnh chiến dịch truyền thông để người dân, du khách nước ngoài biết nhiều hơn về những điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.
“Lượng khách đi nước ngoài sẽ tăng về số lượng và không quá tập trung vào giai đoạn cao điểm mà chia đều về thời gian, với các sản phẩm outbound sẽ đa dạng”, ông Hoan nói thêm.
Các doanh nghiệp khẳng định, tương lai cho du lịch Việt Nam năm 2023 sẽ là những sản phẩm theo chiều sâu, tăng tính trải nghiệm cho du khách, những sản phẩm du lịch thông minh và du khách sẽ đi du lịch có chọn lọc. Với nhiều lợi thế và kinh nghiệm kể trên, những nhà kinh doanh du lịch tin rằng, năm 2023 ngành du lịch Việt Nam sẽ có nhiều bứt phá.
Nguyễn Nam
Nguồn tin: Báo Vietnamnet
Link gốc: https://vnexpress.net/nguoi-lam-du-lich-cho-su-but-pha-trong-nam-2023-4554639.html