Kinh nghiệm du lịch Bến Tre – Bến Tre có gì vui

68 ngày độc hành chinh phục núi tuyết của chàng chuyển giới

68 ngày độc hành chinh phục núi tuyết của chàng chuyển giới

Chỉ có một phổi, thêm u tuyến giáp, Hoàng Thị Linh vẫn chấp nhận mạo hiểm để thực hiện khát vọng chinh phục Himalaya ấp ủ bấy lâu.

“Khi có ý định đi núi tuyết, tôi chỉ có người yêu. Đến khi điều đó thành hiện thực sau 3 năm, tôi không chỉ có vợ mà còn có một công chúa bé nhỏ. Nhiều người hỏi sao lại đi vào lúc này, tôi chỉ biết hoặc lúc này hoặc không bao giờ nữa”, Hoàng Thị Linh, 32 tuổi, quê Hải Dương, chia sẻ.

Sinh ra là nữ, Linh đã phẫu thuật chuyển giới thành nam năm 2018. Song từ rất lâu trước đó, Linh đã cắt tóc ngắn, mặc đồ nam, sống không khác một gã trai phiêu lưu. Khám phá những vùng đất cũng là cách để Linh được thỏa mãn “tiếng gọi lang thang” bên trong mình.

Linh cho biết nếu không có vấn đề sức khoẻ đã chẳng dám tự hào, vì dù sao bản chất đây cũng chỉ là một chuyến đi chơi. Linh chỉ có một chiếc chân rưỡi, một nửa chân bị mất chức năng do tai nạn rạn xương chậu; một phổi nguyên vẹn, do một bên đã bị xẹp trong tai nạn năm 2017. “Mới đây, tôi còn bị u tuyến giáp ở cả hai bên thuỳ trái và phải”, Linh chia sẻ.

Hoàng Thị Linh, biệt danh Linh Hải Dương trên đường từ Tso Morri về lại Ladakh, Ấn Độ, tháng 9/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hoàng Thị Linh trên đường từ Tso Morri về lại Ladakh, Ấn Độ, tháng 9/2022. Ảnh: NVCC

Himalaya không phải là dãy núi để thử sức, mà là giới hạn của bản thân. Làm tour guide, trong các năm qua Linh đã đặt chân tới hầu khắp non cao, vực sâu ở Việt Nam, song sự hiểm trở ở Himalaya nhiều lúc khiến anh run chân.

Hoàng Thị Linh xuất phát từ Hà Nội ngày 18/8, bay đến New Delhi (Ấn Độ), rồi tới Ladakh bằng đường bộ. Trong 68 ngày, anh đã đi ven theo sườn dãy Himalaya, từ biên giới Pakistan, qua lãnh thổ Ấn Độ và sang Nepal, đến cận Tibet. Tổng hành trình là 10.000 km, đi nhờ 2.000 km, đi bộ và leo núi 450 km.

Suốt quá trình đi bộ đến Kinnaur Point và ngồi trên buýt từ Kalpa đến Reckong Peo, bang Himachal Pradesh, Ấn Độ, Linh thường trực cụm từ “nếu một ngày muốn chết”. Có những đoạn xe vào cua, Linh không dám mở mắt. Có những đoạn đi bộ, không dám nhìn xuống vực. Bề rộng mặt đường vừa bằng bề ngang của chiếc xe, mỗi lần khách lên xuống, việc mở đóng cửa giống như gài mìn.

Các con dốc cua chữ V thay vì chữ U. Lái xe không thể cua một phát ăn ngay mà đến nửa dốc phải gài số lùi rồi mới tiến. Phụ xe nào cũng có một chiếc còi để báo hiệu cho lái xe dừng hoặc đi, lùi hoặc tiến. “Tôi đứng trước hẻm Kinnaur Point 2 phút và đã phải thốt lên ‘Hẻm Tu Sản (Hà Giang) gọi ở đây bằng cụ’. Điện thoại để ở chế độ góc rộng 0.5 vẫn không chụp được từ đỉnh núi đến đáy thung lũng. Và thực sự đoạn đó, tôi chọn đi bộ thay vì đi xe để chơi trò cảm giác mạnh”, Linh kể.

Đã có những lúc Linh muốn bỏ cuộc. Đó là quãng đường đi qua các địa danh Kaza, Langza, Komic, Hikkim của bang Himachal Pradesh, đều cao 4.000-5.000 m so với mực nước biển. Ba ngày ở Kaza, Linh liên tiếp bị ho ra máu và chảy máu mũi do sốc độ cao. Với thể trạng của mình, Linh nhụt chí. Đến ngày di chuyển từ Langza đến Hikkim, Linh cuốc bộ khoảng 8 km ở độ cao gần 5.000 m, sức kiệt, máu mũi chảy không ngừng.

“Lúc đó tôi cảm thấy quá sức chịu đựng và muốn bỏ cuộc. Trong tôi chỉ có ý nghĩ bắt taxi để quay lại Kaza, xuống Delhi và bay về Việt Nam”, Linh nhớ lại.

Cung đường mà Linh cho là

Những khúc cua chữ V trên đường đến Ladakh. Ảnh: Linh Hải Dương

Nhưng vào khoảnh khắc định bỏ cuộc thì Linh gặp một anh bạn người Isreal cho đi nhờ. Hoàn thành mục tiêu về Komic và Hikkim, Linh tiếp tục đi nhờ một xe khác hạ độ cao xuống Kee Monastery. Từ lúc này anh khoẻ hơn, tinh thần tốt hơn nên bước chân không còn mệt.

Sau 28 ngày lang thang, Linh đã đến được Ladakh bằng chuyến xe 17 tiếng. Vẫn là “đặc sản” vực sâu, những khúc của chữ V, hành khách trên xe cứ thi thoảng lại thò cổ ra cửa sổ nôn. “Khắc nghiệt là vậy, nhưng ai cũng cố gắng được chạm đến Ladakh ít nhất một lần trong đời. Để rồi sau này, họ sẽ nhớ về nó như một hồi ức về một mảnh đất mang vẻ đẹp không có thực. Với tôi cũng vậy”, Linh hồi tưởng.

Đặt chân đến Ladakh, Linh cảm tưởng như đang trở về nhà. Bởi vì ba năm qua anh đã nhìn, ngắm, xem nhiều ảnh nơi đây đến mức không cần bản đồ, không cần trợ giúp, thoải mái lang thang các ngõ ngách, tận hưởng cảnh vật, con người và tự tìm đại lý đăng ký giấy phép.

Trong hơn 2 tháng rong ruổi, địa danh Linh yêu thích nhất là Spiti Valley. Có thể vì đó là nơi đầu tiên trên hành trình Himalaya nên ấn tượng sâu sắc. Và cũng vì Spiti Valley hoang sơ, rất bình yên, ngồi bất kỳ đâu đều có thể ngắm được sự hùng vĩ của Himalaya. Người dân ở đây rất đỗi thân thiện, khi thấy du khách xuất hiện dấu hiện sốc độ cao, họ mang đến đồ ăn đến và hướng dẫn cách thở…. Tại đây, Linh còn gặp những Lama ở tu viện cổ, được các ngài dẫn đi thăm thú mảnh đất linh thiêng, giới thiệu những công trình tôn giáo có từ thế kỷ 10 và những hồ nước thiêng rất đẹp.

“Khi đến Spiti Valley, tôi thực sự được sống đúng từ ‘trải nghiệm’. Tôi đi bộ và xin đi nhờ xe khắp vùng đó trong gần hai tuần. Tôi được thấy những điều mình chưa bao giờ thấy. Ví dụ những ngôi làng trên độ cao hơn 4.000 m rất khắc nghiệt nhưng người dân hiền hoà. Mỗi ngày, tôi lại gặp những con người mới, giống như đang sống cuộc đời mới”, Linh kể.

Song, địa danh khiến anh muốn một lần nữa được quay lại là Tso Morri. Đây là hồ nước nằm ở độ cao trên 4.500 m. Nơi đây rất đẹp, như nhiều người đã nói “trong kiếp người, đến được hồ thiêng Tso Morri giống như tu qua một ải khổ”. Linh đặt chân tới vào buổi chiều, khi những tia nắng vàng phủ lên chóp núi như rót mật. Mặt hồ xanh màu ngọc bích phẳng như gương. Đồng cỏ trải dài bất tận, thỉnh thoảng lại có đàn ngựa nhẩn nha gặm cỏ.

“Ở đây, tôi đã tự dựng điện thoại quay video, chụp hình và đã xem lại tất cả nhưng về đến camp bên hồ thì không thấy video nữa. Vì thế tôi muốn quay lại để trải nghiệm thêm về cuộc sống tâm linh và ngắm hoàng hôn ở đây thêm một lần nữa trong đời”, Linh chia sẻ.

Ráng chiều phảng phất trên các ngọn núi, cồn cát Hunder, Ladakh, lúc này các du khách cưỡi lạc đà đi trên con đường tơ lụa cổ năm xưa. Ảnh: Linh Hải Dương

Ráng chiều phảng phất trên các ngọn núi, cồn cát Hunder, Ladakh, lúc này các du khách cưỡi lạc đà đi trên con đường tơ lụa cổ năm xưa. Ảnh: Linh Hải Dương

Trên tất cả, gã độc hành này thấy tự hào nhất là khi đặt chân tới Annapurna Base Camp (ABC), Nepal. Kinh nghiệm dẫn tour nhiều năm, Linh tự tin mình có thể đi cung này một mình. Đến Pokhara, anh gửi bớt đồ, chỉ mang theo 8 kg đồ thiết yếu. Sau hơn 10 ngày băng 150 km rừng, anh đã đặt chân đến Annapurna Base Camp. “Trong tôi lúc đó là một cảm giác tự hào của một gã chỉ có một phổi, không tour guide, không porter, một mình băng rừng, băng suối để lần đầu tiên được chạm vào tuyết”, Linh nói.

Ngày 19/10, Linh bay một vòng ngắm đỉnh Everest trước khi kết thúc hành trình. Vậy là ước mơ nhìn sông Hằng linh thiêng, nhìn Himalaya huyền bí và tận mắt thấy Everest hùng vĩ đã hoàn thành. Chuyến đi 68 ngày với kinh phí dự kiến 100 triệu đồng, thực tế chi hết khoảng 150 triệu đồng.

“Bây giờ tôi đã là tôi của 2022. Tôi học được cách thích nghi trong nghịch cảnh, học được rằng khi cố gắng đi tìm sự tích cực, sẽ gặp được năng lượng tính cực, học được cách buông bỏ chứ không dễ dàng bỏ cuộc nữa”, Linh nói.

Phan Dương

Nguồn tin: Báo Vietnamnet

Link gốc: https://vnexpress.net/68-ngay-doc-hanh-chinh-phuc-nui-tuyet-cua-chang-chuyen-gioi-4538635.html

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x